Tục tảo mộ ngày Tết là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xưa, thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vậy nên, tảo mộ vào ngày nào là tốt nhất và cần chuẩn bị những gì? Sau đây, Bazanland sẽ cung cấp những thông tin về phong tục tảo mộ của người Việt qua bài viết chi tiết dưới đây!
Tảo mộ ngày Tết là gì?
Tục tảo mộ là gì? Tảo mộ chính là hoạt động dọn dẹp cỏ dại, vun vén, sửa sang, tu bổ, chăm sóc cây xanh xung quanh phần mộ của người thân trong gia đình. Đồng thời, tảo mộ còn là dịp để gia đình và con cháu sum vầy, ôn lại những kỷ niệm đã qua.
Ý nghĩa tảo mộ ngày Tết chính là lời nhắc nhở đến con cháu, phải ghi nhớ công lao tổ tiên, phải phấn đấu trong tương lai và cuộc sống để có thể mang đến những điều tốt đẹp cho gia đình.
Người xưa có câu “Chim có tổ, người có tông”, vì vậy mà mỗi độ xuân về, con cháu từ khắp nơi sẽ có dịp hội tụ, quây quần bên mái ấm gia đình và trò chuyện rôm rả. Có thể nói, tảo mộ chính là một trong những nét văn hóa quý báu của người dân Việt Nam.
Gợi ý: 19 phong tục ngày Tết cổ truyền gìn giữ bản sắc dân tộc Việt
Tảo mộ ngày nào tốt?
Người Việt chúng ta rất coi trọng nghĩa tình nên tục “đón rước” ông bà cũng sẽ có phần đơn giản, chủ yếu vẫn là tấm lòng và tình nghĩa của con cháu nên thời gian tảo mộ cũng không cố định. Thông thường, nhiều gia đình sẽ tổ chức tảo mộ ngày Tết vào khoảng thời gian từ 20 đến 25 tháng Chạp Âm lịch hoặc có khi kéo dài đến 30 Tết.
Còn một dịp nữa để gia đình có thể tảo mộ đầu năm đó là Tiết Thanh minh (hay còn gọi là Tết hàn thực 3/3 âm lịch). Tiết Thanh minh có nguồn gốc từ Trung Quốc và cũng phần nào ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam. Vì tháng 3 là thời gian rất đẹp, tiết trời mát mẻ và trong xanh, nhiều người thường đến các vùng ngoại ô để hít thở bầu không khí trong lành nên nhiều gia đình sẽ chọn tảo mộ vào ngày này để phát quang bụi rậm, sửa sang lại các mộ phần.
Nói tóm lại, khoảng thời gian này không quá gò bó mà còn đẹp trời nên nhiều gia đình thường lựa chọn Tiết Thanh minh để tảo mộ ông bà, tổ tiên.
Đi tảo mộ ngày Tết cần chuẩn bị những gì?
Khi tảo mộ ngày Tết, việc chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm cúng lễ là vô cùng cần thiết. Nhiều người khi tảo mộ ông bà thường không biết nên chuẩn bị gì nên vô tình phạm phải những sai lầm không đáng có.
Về lễ vật, gia đình có thể chuẩn bị lễ chay hoặc mặn tùy thích. Đối với lễ chay, bạn cần chuẩn bị thêm các loại bánh trái, gạo, muối, bỏng, xôi chè, chén mật, bơ. Lễ mặn sẽ có thêm chân giò, gà luộc, khoanh giò hoặc thịt rượu.
Người đi tảo mộ nên mang theo cuốc xẻng để sửa sang, dọn dẹp lại mộ phần của ông bà, tổ tiên và cần chuẩn bị thêm mâm lễ theo tiêu chuẩn như sau:
- 10 bông hoa tươi có màu đỏ.
- 3 lá trầu và 3 quả cau.
- Nửa lít rượu, 5 chén đựng và 10 lon bia.
- 2 bao thuốc và 2 gói trà.
- 2 cốc nền màu đỏ.
- 5 con ngựa đủ màu và trên mỗi con ngựa sẽ có 10 lễ tiền vàng gồm tiền xu, tiền âm phủ và tiền vàng lá.
- 5 bộ quần áo bằng giấy.
- 4 đĩa đựng tiền vàng.
Văn khấn tảo mộ ngày Tết
Khi viếng thăm phần mộ người thân, bạn cũng cần phải chuẩn bị văn khấn tảo mộ ngày Tết đầy đủ kèm với các lễ cúng. Dưới đây là mẫu văn khấn tảo mộ mà bạn có thể tham khảo:
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính tạng Vương Bồ Tát.
Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
Con kính lạy hương linh cụ:…………………….
Hôm nay là ngày …. tháng …. năm ……, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:……………………..
Ngụ tại:…………………………
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả, kim ngân tài mã, dâng hiếm trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:……………… có phần mộ táng tại…………. được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám. Phù hộ độ trì
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn Hóa Thông tin)
Những lưu ý khi đi tảo mộ
Đối với tục tảo mộ ngày Tết, các gia đình cần lưu ý một số vấn đề quan trọng như sau:
- Tục tảo mộ Tết nên tiến hành vào cuối năm (tầm 20 tháng Chạp đến 30 Tết) vào buổi sáng.
- Khi đi nên ăn mặc lịch sự, sang trọng để thể hiện sự tôn trọng đối với người đã khuất, đặc biệt không nên đùa giỡn, trêu đùa nhau khi đi tảo mộ.
- Trước khi bắt đầu tiến hành lễ tảo mộ, cần phải dọn dẹp mộ phần thật sạch sẽ. Đặc biệt, người chủ gia đình hoặc người lớn tuổi phải thắp nhang, đèn xin phép và đọc văn khấn tảo mộ ngày Tết. Trong quá trình đợi hương tàn, con cháu cũng sẽ dọn dẹp các khu vực xung quanh mộ phần và khi nhang đã cháy được ⅔, gia chủ nên tiến hành hóa vàng và xin thụ lộc.
- Nên gọi tên người đã khuất để người đó có thể nhận được đồ mà bạn muốn gửi khi hóa vàng.
- Hãy tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ khi vừa đi tảo mộ về.
Những câu hỏi liên quan đến tảo mộ
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về tục tảo mộ ngày Tết, dưới đây là một số câu hỏi thường gặp để bạn có thể hiểu hơn về phong tục này.
Những ai không được đi tảo mộ?
Thực tế, tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể đi tảo mộ vì đây là dịp để mọi người có thể quây quần bên nhau và cùng nhau nhớ về những người đã khuất. Tuy nhiên, đối với những đối tượng như trẻ nhỏ, người hay ốm đau, phụ nữ mang thai sẽ không nên đi tảo mộ vì nghĩa trang là khu vực có âm khí nặng, nhiều vi khuẩn sinh sôi. Chính vì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của những đối tượng trên.
Tại sao con gái không tảo mộ cha mẹ đẻ?
Ngày xưa, nhiều người rất tin vào phong thủy tài lộc nên nếu con gái lấy chồng mà về nhà bố mẹ đẻ để quét dọn lăng mộ sẽ làm ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình nhà bố mẹ đẻ. Những điều may mắn đáng lẽ được hưởng sẽ được chuyển sang hết cho nhà chồng. Vì vậy, con gái lấy chồng không thể về quê thăm mộ vì sợ lấy những nhiều không may mắn của gia đình mẹ đẻ.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại nên việc này cũng sẽ có phần không hợp lý. Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng biết ơn, hiếu kính việc con gái về thăm phần mộ tổ tiên là chuyện hết sức bình thường.
Có nên tảo mộ ngày mùng 3 Tết?
Câu trả lời sẽ là không. Vì đây là thời điểm gia đình cùng nhau sum vầy, trao nhau những lời chúc năm mới tốt đẹp, may mắn nên việc viếng thăm người đã khuất cũng sẽ không hợp lý.
Thời gian tảo mộ phù hợp nhất là vào thời điểm trước Tết (20 tháng Chạp đến 30 Tết) hoặc Tiết Thanh minh (3/3 âm lịch), lúc này tiết trời mát mẻ, dương khí cực thịnh sẽ khiến cho việc thăm mộ phần ông bà, tổ tiên suôn sẻ hơn.
Trên đây là những thông tin về phong tục tảo mộ ngày Tết mà Bazanland muốn chia sẻ đến bạn. Mong rằng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về văn hóa của người Việt xưa cũng như giúp bạn chuẩn bị lễ vật tảo mộ sắp tới đầy đủ, suôn sẻ hơn.